VIETRAVEL - NƠI CẢM XÚC THĂNG HOA SAU HÀNH TRÌNH DU LỊCH MIỀN TÂY CỦA KHÁCH HÀNG TRẦN THỊ MINH THI.

Thăm chợ nổi Cái Răng

        Rời bến Ninh Kiều  khoảng 6 km và mất 30 phút đường sông, trên con tàu du lịch,  chúng tôi nhìn thấy dòng chữ  “Chợ nổi Cái Răng” hiện lên trên thành cầu Cái Răng bắc ngang qua dòng sông Hậu. Nghe tiếng đã lâu, nay tôi mới có dịp quan sát và trải nghiệm mô hình Chợ nổi.

        Theo lời cô hướng dẫn viên du lịch, chợ nổi Cái Răng là chợ ở trên sông, hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, là nơi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là điểm tham quan du lịch đặc sắc của thành phố Cần Thơ. 

         Hàng trăm ghe thuyền tụ hội trên khúc sông nhộn nhịp, một cảnh mua bán tấp nập diễn ra, khung cảnh thật nhộn nhịp, vui tươi. Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày và  nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lõi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan trong và ngoài nước.

        Chỉ bằng một cái móc sắt, con thuyền người bán cặp sát tàu, thuyền của người mua và cuộc mua bán diễn ra giữa hai mạn thuyền hoặc qua khung cửa sổ của con tàu du lịch. Mỗi thuyền, ghe chứa từ một đến hai, ba món hàng. Mặt hàng thường bán cho khách du lịch là các loại nông sản xứ sở miền tây: nào thơm, nào cam xoàn, bưởi, vú sữa, nào sầu riêng, thơm khóm, dừa xiêm, rồi rau quả, bí đỏ, củ hành, củ sắn, v.v. Ta có thể thấy và hiểu họ bán gì khi nhìn cây bẹo dựng ở trước thuyền. Nhưng những mặt hàng không thể treo lên cây bẹo được như đồ ăn, thức uống thì họ cất lên những tiếng rao lanh lãnh, vang vọng một khúc sông. Hàng tươi roi rói, giá cả lại mềm nên hấp dẫn du khách. Khách lại còn được thơm thảo mời ăn thử trước khi mua. Hương vị ngọt lịm, thơm lừng của cây trái khiến cho du khách không sao cưỡng nỗi, đã không ngần ngại mua thật nhanh, thật nhiều, có người còn hứng khởi mua đến vài chục ký.

         Ghe này vừa rời, thì ghe khác cập đến. Khi thấy có ghe cập thuyền thì ghe khác bẻ lái chuyển đi hướng khác chứ không tranh giành. Họ nhường nhau mà bán, giúp đỡ, chia sẻ nhau để sống. Người miền Nam vốn chân chất và hiền hòa. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước hàng ngày, nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông nước mênh mông và cởi mở. Đó là văn hóa tình người, điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng.

        Cuôc đời của những người thương hồ ở đây gắn liền với sông nước. Nhà là thuyền, mà phương tiện mưu sinh cũng là thuyền. Những chiếc thuyền xuôi ngược ngày ngày chở họ rong ruổi trên dòng sông Hậu. Từ tờ mờ sáng, khoảng 4 giờ, khi ông mặt trời chưa thức dậy, họ đã bắt đầu công việc mưu sinh.  Mặc nắng gắt hay mưa tuôn, mặc phong ba, hay gió chướng…họ vẫn cần cù, tần tảo với công việc bán buôn, vui vẻ chào mời mọi người thưởng thức cây trái ngọt lành của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đem hương vị yêu thương đến cho mọi người, nhất là giới thiệu với khách ngước ngoài đặc sản quê hương Việt Nam. 

           Một công việc giản đơn, một hạnh phúc vô cùng bình dị của người chân quê chất phác miền tây Nam Bộ. Tôi đã nhìn thấy và cảm nhận  được sự chân thành, giản dị, sự hiếu khách hiếm có của những con người vùng sông nước miền Tây. Điều tôi thích thú là những người bán hàng Chợ nổi không nói thách nhiều, trả giá nhanh gọn, giá đã rẻ khi cân thì cân “già”, lại còn rộng rãi tặng thêm cho khách vài trái cây nữa. Thật là hào phóng.

         Ngồi một chỗ trên thuyền mà khách có thể mua cho mình nhiều thứ, có khi mua vì thích và thấy cần thiết nhưng cũng có khi  mua chỉ để ủng hộ, để chia sẽ những nhọc nhằn, cực khổ của người dân miền sông nước. Nhiều người trong đoàn còn nói:  mua nhiều để biếu, tặng chứ ăn đâu có bao nhiêu! Tục lệ ông bà ta bao đời không thay đổi, đi chơi về là có quà thơm thảo với người thân, họ hàng, làng xóm. Lại một nét nhân văn và phong tục đáng yêu mà tôi ghi nhận được trên dòng sông Hậu hiền hòa này. 

        Chấm dứt cuộc mua bán, chủ ghe trái cây gửi biếu ít trái cây cho chủ tàu, một hành động biết ơn thật dễ thương của người miền Tây. Ngồi trên ghe ăn trái cây thơm ngọt, tận hưởng làn gió mát, nghe câu vọng cổ ngọt ngào từ con thuyền gần đó vang lên. Còn gì thú vị cho bằng! 

         Con thuyền vẫn tiếp tục rẻ sóng đưa chúng tôi đến những địa điểm tham quan khác. Thuyền cập bến nơi làm kẹo dừa, cốm sữa, mật ong.  Rồi ghé qua nơi làm hủ tiếu, bánh canh, bánh tráng; thăm nơi bán hàng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ phong phú được làm từ cây dừa. Chúng tôi còn được ghé tiệm thưởng thức tô bún cá nước lèo, một món ăn đặc biệt miền tây với hương vị đặc sắc không chê vào đâu được. 

           Chợ nổi là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Châu Á nói chung. Tôi thầm nghĩ với mô hình chợ nổi độc đáo này, liệu có cách nào cải thiện cho cuộc sống cư dân trên thuyền đỡ lầm than, vất vả hơn chăng? Liệu có cách nào vẫn giữ được nét đẹp truyền thống mà được bổ sung thêm nhiều nét văn minh hiện đại để Chợ nổi luôn là địa điểm thu hút khách du lịch tìm về.

                                                                                                   Trần Thị Minh Thi