CẢM NHẬN KHI THĂM ĐẤT MŨI CÀ MAU CỦA KHÁCH HÀNG TRẦN THỊ MINH THI TRONG HÀNH TRÌNH DU LỊCH CÙNG VIETRAVEL
Khi còn là giáo viên, tôi từng xúc động khi giảng cho học sinh nghe bài thơ “Mũi Cà Mau” của nhà thơ Xuân Diệu:
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau.
Lúc ấy, tôi đã cùng các em học sinh hình dung và tưởng tượng miền đất cực nam của Tổ Quốc thân yêu qua những câu thơ giàu hình tượng:
“Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non - Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;
Phù sa vạn dặm tới đây tuôn, - Lắng lại; và chân người bước đến.”
Bài thơ như lời khẳng định sắt son của nhà thơ Xuân Diệu. Dù trong hoàn cảnh nào, dù cuộc đời có thay đổi ra sao thì lòng nhà thơ vẫn luôn hướng về miền Nam ruột thịt, về Cà Mau thân yêu!
Đất nước hòa bình, tôi lại thích thú nghe bài hát “Trên quê hương Minh Hải” của nhạc sĩ Phan Nhân, lời ca thật ngọt ngào và đầy cảm xúc, như thấm vào tim tôi:
“ Hò ơ...
Ngọt ngào giọng nói quê hương
Vẳng nghe tiếng hát
Vẳng nghe tiếng hát
mà vấn vương trong lòng
Rằng quê Minh Hải mình đây
Đồng xanh thẳng cánh chim bay
Chan đước vươn ra xa
Tràm xanh thoảng đưa hương thơm dịu
Rừng xanh đất mũi Cà Mau
Đồng xanh muối trắng Bạc Liêu
chung sức dựng xây Minh Hải đẹp giàu.
(Minh Hải là tỉnh được thành lập do hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu từ năm 1976.. Đến 1996 tỉnh Minh Hải lại được tách thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau)
Rời bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn thật trữ tình, hồn hậu đã đến với tôi như lời gọi mời tha thiết:
Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam
Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời
Xuôi mái chèo sông Ông Đốc, đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau
Xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng.
Như thế đó, qua những bài thơ, điệu hát hấp dẫn, tôi mơ ước một lần được đặt chân đến miền đất thành đồng của miền Nam, cũng là nơi xa xôi nhất của Tổ quốc. Và ước mơ ấy đã thành hiện thực, tháng qua, tôi đã cùng con trai thực hiện chuyến về nguồn Cà Mau.
Trên con đường hướng về phía đất Mũi, đi đến đâu tôi cũng được nhìn thấy cảnh đẹp non sông đất nước, đồng ruộng mênh mông, cây trái ngọt lành… được nghe kể lại những câu chuyện giữ gìn, bảo vệ bờ cõi, được tăng thêm hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống thật đẹp của quê hương mình.
Đẹp vô cùng tổ quốc Việt Nam!
Đã từng chụp hình với cột cờ Lũng Cú, nơi tuyến đầu tổ quốc ở Hà Giang, nay tôi vô cùng thích thú khi đứng cạnh tượng đài hình con thuyền, đánh dấu vị trí địa lý tỉnh Cà Mau, được nhìn thấy cột mốc số 2416 cuối con đường Trường Sơn huyền thoại. Thật không còn gì hạnh phúc cho bằng!
Đứng trên cây cầu bắc ra phía biển, đón nhận từng cơn gió biển mát rượi thổi vào, mát tận tâm can, trong tôi dâng lên một cảm giác thật tuyệt vời viên mãn như vừa hoàn thành một việc có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời.
Ở nơi đây, cũng là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây. Từ Mũi Cà Mau, tôi có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp gồm các đảo Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi.
Ở nơi đây, ta thấy tâm hồn thật bình yên, thanh thản, chỉ nghe âm thanh cây với lá rì rào, tiếng nước róc rách chảy, mái chèo khua.
Ở nơi đây tôi được nghe câu vọng cổ thiệt ngọt ngào, mùi mẫn vang lên gợi hồn quê hương, dân tộc. Và thú vị làm sao khi được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của quê hương Nam bộ: cá thòi lòi, cua biển, ốc len, canh chua nấu rau dút, bánh xèo...
Điều gây ấn tượng nhất với tôi là hệ thống rừng sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú của vùng đất này. Những khu rừng này đặc biệt quan trọng trong việc phòng hộ của nước ta, bảo vệ bờ biển, chống xâm lấn, xói mòn, cố định các bãi bồi ven biển, chống gió bão, sóng thần… Mỗi cây Đước có nhiều rễ chống bao quanh giúp cây đước đứng vững trong vùng nước ngập mặn, đầm lầy. Nhánh rễ chống vươn dài như những bàn tay nắm chặt lấy mảnh đất này. Nhờ hệ thống rễ như vậy mà đất được giữ lại, không trôi tuột ra biển. Nhìn cây Đước thẳng tắp, cây Tràm vững chải, bạt ngàn nối tiếp nhau như những người chiến binh hiên ngang bảo vệ biên cương. Bất chợt, tôi lại nhớ những câu thơ đầy hào khí của Xuân Diệu:
“ Ở đầu sóng gió, mỏm non sông
Như ngực anh hùng Lí Tự Trọng.
Cao hơn sóng gió một Thành đồng,
Đây chốn đi về, nơi ước vọng.”
Đi liền với mạch cảm xúc dữ dội hùng hồn trên kia, là một hình ảnh cũng hết sức anh dũng. Lần này, mũi Cà Mau hiện lên, oai phong, lẫm liệt:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau.
Nếu đất nước là con tàu thì Cà Mau chính là mũi của con tàu ấy. Mũi tàu luôn đi trước, luôn hứng chịu gian lao thử thách trước và rẽ sóng mở đường. Một mũi Cà Mau đang hiên ngang xé tan ngọn sóng, đưa đất nước tiến về phía trước! …
Xe bon bon chạy về, cảnh đẹp quê hương cũng lần lượt chạy qua ngang khung cửa kính. Ngồi trên xe, ngắm nhìn cảnh, nghĩ đến hình ảnh “người Cà Mau dễ thương vô cùng”, lòng tôi lại nhớ đến những câu thơ dạt dào cảm xúc của Nguyễn Đình Thi:
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên.
Về với Cà Mau, tôi đã “thấy thương em rồi” ! Trong tình cảm chân thành đối với con người dân hiền hòa mà vô cùng anh dũng, chắc bạn cũng như tôi, đều mong ước “Cà Mau sẽ mặc thêm áo mới” và ngày càng phát triển sung túc, mạnh giàu!
Cám ơn công ty du lịch Vietravel, đã giúp cho chúng tôi có một chuyến đi về nguồn vô cùng thú vị; cám ơn HDV Sương Châu qua lời thuyết minh sinh động của em, tôi được tăng hiểu biết và cảm nhận bao điều mới lạ về miền đất cực nam tổ quốc.
Sau mỗi cuộc hành trình, tôi càng thấy yêu thêm non nước Việt Nam và trong lòng mãi ngân vang câu hát ca ngợi quê hương.
Non nước hữu tình, quê mình xinh đẹp quá
Từ những câu hò ý nhạc thành bài ca…
Traveler : Trần Thị Minh Thi